Kinh nghiệm ghép quả trên cây có múi
Từ vài năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Hoãn ở thôn Đức Nhuận, xã
Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên) đã thử nghiệm và ghép thành công trên diện
rộng quả của các cây có múi lên các cây của chúng, chẳng những quả vẫn phát triển
cho năng suất bình thường, chất lượng không hề thuyên giảm mà còn có phần ngon
hơn.
Đây có thể coi là một sáng tạo đột phá trong nghề trồng cây có
múi ở nước ta.
Mục đích: Phân bố lại số quả
trên cây cho hài hòa, tạo điều kiện cho cây phát triển cân đối, khắc phục được
hiện tượng trên cùng một cây, có cành mang quá nhiều quả, lại có cành quá ít
quả đồng thời tạo ra quả có sự đồng đều cao hơn, từ đó tăng hiệu quả kinh tế
cho vườn cây. Mặt khác nhờ ghép lại quả mà chúng ta có thể dồn lại số quả ở
những cây ít tập trung ghép cho một số cây nhất định, từ đó phân loại cây, xây
dựng kế hoạch chăm sóc và bảo vệ từng lô cây khác nhau, tránh được sự đầu tư
dàn trải, giảm chi phí vật tư. Ngoài ra còn có thể rút ngắn thời kỳ kiến thiết
cơ bản cho vườn cây. Riêng đối với những cây ăn quả, trồng để tạo cảnh thì cùng
với việc ghép phân bố lại số quả trên cây cho cân đối, đẹp mắt người ta còn có
thể ghép nhiều loại quả khác nhau trên cùng một cây theo thị hiếu tiêu dùng
làm, tăng giá trị thẩm mỹ, tăng giá trị sử dụng của cây lên rất nhiều lần.
Nguyên lý: Chỉ có thể ghép
được các nhóm cây cùng chi trong họ như các giống cam ghép lên nhau, các giống
bưởi ghép lên nhau, quất có thể ghép lên cam, bưởi; cam ghép lên quýt, bưởi và
ngược lại bưởi có thể ghép lên cam… tùy theo mục đích sử dụng mà chúng ta lựa
chọn các đối tượng quả và cây ghép khác nhau và chỉ nên ghép các quả có giá trị
kinh tế cao hoặc các cây ăn quả làm cảnh như: Cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn,
bưởi Phúc Trạch, Hoàng Trạch… vì chi phí công ghép tương đối cao. Cây để sử
dụng ghép quả có thể đã hoặc đang cho khai thác quả hoặc chưa khai thác quả lần
nào.
Thời vụ ghép: Với cam Canh, cam
Vinh, quýt, bưởi Diễn có thể cho phép ghép từ cuối tháng 6-8 bưởi Phúc Trạch,
Hoàng Trạch có thể bắt đầu ghép từ đầu tháng 4-5, khi các quả trên cây phát
triển ổn định, đường kính quả từ 1,8-2,5 cm đối với cam quýt và 4-5 cm đối với
bưởi là thời điểm ghép là tốt nhất, tiến hành ghép vào ngày quang mây, nắng
nhẹ, không mưa, không có gió tây. Trong ngày nên ghép vào thời gian mà trong vườn
khô sương (khoảng 8-16h).
Kỹ thuật ghép: Bộ phận để ghép là cuống quả với các cành nhánh của cây. Về nguyên tắc có thể ghép theo nhiều phương pháp: Ghép chẻ bên, ghép áp, ghép nêm đều được cả, tuy nhiên thông thường với các cây có múi, ghép áp bên là tốt nhất, xác suất sống sau ghép cao, dễ ghép, thao tác đơn giản và năng suất ghép cao. Trước ghép vườn cây cần được phòng trừ sạch sâu bệnh hại, nhất là các đối tượng: Sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện trắng, rệp nâu, rệp muội, rệp sáp, rầy chổng cánh và các bệnh loét quả, chảy nhựa…, cây ghép cần lựa chọn các cây khỏe, không sâu bệnh.
Trên cây các cành
cấp 1, cấp 2… khỏe có nhiều cành nhánh có thể ghép nhiều quả hơn ngược lại cành
yếu ghép ít quả hơn, nhưng với cây làm cảnh thì tùy theo dáng, thế đã tạo trước
mà bố trí ghép quả cho phù hợp. Quả cắt, hoặc mua ở các vườn tỉa quả khác để
ghép phải không có mầm bệnh, quả còn tươi, nguyên cả cuống, yêu cầu để cuống
dài 3-7 cm hoặc 10 cm, nếu kỹ thuật ghép thành thục thì để cuống 3-5 cm là tốt
nhất, còn để cuống quả dài 7-10 cm là phòng, vết cắt ghép lần đầu hỏng phải cắt
lại. Yêu cầu quả cắt đến đâu ghép ngay đến đó, nếu để lâu cuống quả mất nước có
thể coi như hỏng quả đó không sử dụng để ghép được. Khi ghép nên lựa chọn cành
ghép là các cành bánh tẻ, không chọn các cành quá già hoặc quá non, cành ghép
và cuống quả ghép phải có kích thước tương ứng, có nghĩa độ lớn cành ghép và
cuống ghép là tương đương.
- Cách ghép áp
bên: Sử dụng dao ghép chuyên dụng, dao phải luôn sắc, bén ngọt, nhẹ
nhàng nâng quả trong lòng bàn tay (tuyệt đối không để quả rụng khỏi cuống),
dùng một ngón tay làm điểm tỳ cho cuống quả tay kia dùng dao cắt vát đầu cuống,
chiều dài vết vát khoảng 1,5-2 cm tùy, tương ứng ở cành ghép ta cũng cắt vát
đầu cành với chiều dài vết vát tương đương, tiếp đó ghép cuống ghép và đầu ghép
khớp nhau qua vết cắt vát, sử dụng nilon ghép chuyên dụng (loại có chất lượng
cao: bền, dai, trong suốt) quấn chặt vết ghép. Yêu cầu: 2 vết vát thật phẳng,
đặt lên nhau phải trùng khớp, thao tác nhẹ nhàng, nhanh, gọn, chắc chắn. Trong
quá trình ghép hai bàn tay phải luôn khô ráo, vì nếu tay ướt dính sang vết cắt
thì vết ghép sẽ không tương hợp. Với cách ghép này, một công lao động thành
thục trong ngày có thể ghép được 150-200 quả.
Chăm sóc cây sau ghép quả: Cây sau ghép quả cần được che nắng bằng lưới nilon đen chuyên dùng khoảng 20-25 ngày, mục đích hạn chế nắng, gió làm mất nước ở quả ghép và cuống ghép, ảnh hưởng tới tỷ lệ sống sau ghép, vườn cây ghép cần được giữ ẩm bình thường như các vườn đang cho quả khác, nếu vườn ẩm quá hoặc hạn quá đều ảnh hưởng tới năng suất, đặc biệt chất lượng của quả sau này.
Cây sau ghép 4-6
tuần khi vết ghép đã liền nhau chắc chắn thì tháo nilon ghép ở cành ghép, tăng
cường bón thúc phân hữu cơ, vô cơ và phân vi sinh, tốt nhất sử dụng hạt ngô đỏ,
đậu tương, và super lân ngâm ủ hoai mục pha loãng để tưới thúc hoặc hỗn hợp bột
ngô, bột đậu tương, super lân ủ nóng trong điều kiện yếm khí cho hoai mục bón
thúc vào rãnh đào theo hình chiếu tán cây rồi phủ kín đất, đồng thời theo dõi
phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại.
Lưu ý: Thay vì sau ghép che lưới đen lên tán cây chống thoát hơi nước ở quả ghép, ta có thể đơn giản bằng cách: Trước ghép dùng dây nilon ghép bao kín quả và phần cuống quả ngoài phạm vi ghép, sau 35-40 ngày cành ghép và quả ghép sinh trưởng bình thường thì tháo nilon ra cho quả phát triển nhanh.
Nông dân Văn Giang vào mùa ghép quả trên cây bưởi cảnh
Nhiều năm nay, huyện Văn Giang trở thành “thủ phủ” bưởi cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, với dáng, thế độc đáo, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Để trồng được một cây bưởi cảnh đẹp chơi Tết, hội tụ đầy đủ chồi, lộc, hoa, đặc biệt là số lượng quả theo ý muốn, cần sự đầu tư, cầu kỳ trong từng công đoạn, trong đó khâu ghép quả non vào cây “mẹ” rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo tay và kỹ thuật của các chủ vườn.
Năm nay, gia đình anh Đỗ Mạnh Hà ở thị trấn Văn Giang chuẩn bị khoảng 300 chậu
bưởi cảnh các loại để phục vụ thị trường cuối năm. Dẫn chúng tôi vào thăm vườn
bưởi lúc lỉu quả trong tán lá, anh Hà chia sẻ: Nếu để tự nhiên, chỉ khoảng 30%
số quả trên cây đạt tiêu chuẩn vì vậy phải ghép bổ sung. Tùy vào kích cỡ cây mà
số lượng quả ghép sẽ khác nhau, dao động 200 – 400 quả/cây to và 100 – 150
quả/cây nhỏ. Năm nay, tôi mua trên 4 vạn quả từ các nhà vườn thuộc các tỉnh Hòa
Bình và Tuyên Quang để về ghép cho vườn bưởi của gia đình.
Nông
dân thị trấn Văn Giang ghép quả vào cây bưởi cảnh
Mùa ghép quả trên cây bưởi cảnh thường được các nhà vườn thực hiện từ khoảng tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Quả được lựa chọn để ghép khi còn non, tròn đều, trọng lượng khoảng 2,5 – 3 lạng, cuống to. Quả non sau khi hái cần được ghép vào cây “mẹ” càng sớm càng tốt, đồng thời có biện pháp theo dõi, chăm sóc phù hợp. Anh Nguyễn Văn Tình ở thôn AB Quang Trạch, xã Liên Nghĩa cho biết: Quả khi được ghép nếu không chăm sóc cẩn thận có thể bị rụng bất cứ lúc nào. Sau khi ghép quả vào cây phải tiến hành bọc nón che nắng, đồng thời tưới nước thường xuyên, phân bón cách nhau từ 15- 20 ngày/lần để cây không bị “bội thực”.
Thời gian ghép quả vào cây mẹ chỉ diễn ra khoảng 1 tháng, trong điều kiện thời tiết nắng ráo. Để bảo đảm thời vụ, các chủ vườn có quy mô lớn thường thuê thêm nhiều thợ ghép với chi phí dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/người/ngày.
Anh Nguyễn Văn Tình ở xã Tân Tiến – một thợ ghép quả cho biết: Đội chúng tôi có 4 - 7 người, trong đó thợ nam phụ trách ghép quả, còn thợ nữ thì bọc nón che nắng cho quả. Mùa này, thời tiết nắng nóng nên chúng tôi thường bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng và kết thúc buổi chiều muộn. Nếu làm đều đặn thì một tháng tôi đạt thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Tại các địa phương có diện tích trồng cây giống, cây cảnh lớn trong huyện đã
hình thành nhiều đội thợ chuyên làm công việc này. Ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ
tịch Hội Nông dân xã Liên Nghĩa cho biết: Từ kinh nghiệm nhiều năm trong ghép
mắt cây giống người dân địa phương tìm tòi, thực hiện thành công kỹ thuật ghép
quả vào cây. Hiện nay, toàn xã có khoảng 100 nhóm thợ chuyên nhận ghép thuê cho
các nhà vườn ở trong huyện và nhiều tỉnh, thành phố khác. Các nhóm thợ này phần
lớn là nam giới. Thu nhập từ nghề này rất khá, trung bình 600.000 – 700.000
đồng/ngày công/thợ. Nếu làm khoán thì tiền công là 3.000 - 4.000 đồng/quả bưởi
ghép, một người thợ lành nghề có thể đạt thu nhập 1 triệu đồng/ngày.
Quả
bưởi sau khi ghép được bọc nón che nắng
Gần 20 năm kinh nghiệm, ông Hoàng Mai Giang ở xã Liên Nghĩa chia sẻ: Làm nghề này phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng thao tác. Muốn quả ghép phát triển bình thường, người thợ cần khéo léo ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi ni lông ở vết ghép. Nếu quá trình ghép quả không đạt chuẩn, một thời gian ngắn quả bưởi sẽ rụng.
Hiện nay, huyện Văn Giang có khoảng 150 héc-ta bưởi cảnh tập trung chủ yếu ở
các xã Liên Nghĩa, xã Long Hưng và thị trấn Văn Giang… Ông Nguyễn Hoàng Tùng,
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ghép quả là
công đoạn vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng cây bưởi cảnh cũng như
thu nhập vụ cuối năm. Các nhà vườn cần tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi
và khi quả bưởi còn non, chưa vào nước để thực hiện. Năm nay thời tiết có nhiều
diễn biến bất lợi đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vì vậy
các nhà vườn cần chủ động theo dõi để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, kịp
thời phòng trừ sâu bệnh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét